Khái niệm chuyển đổi số cho ngành Logistics 4.0 đã không còn quá xa lạ, nhưng để tiến tới việc chuyển đổi toàn diện trong doanh nghiệm lại còn là vấn đề nan giải
Ông Đinh Xuân Hợp, Giám đốc Công ty Logistic Chim bồ câu chi nhánh tại Hà Nội cho biết để có thể ứng dụng chuyển đổi số ở cấp độ cao hơn, doanh nghiệp vẫn còn e ngại, bởi một số khó khăn: “Có một cái khó khăn trong chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp nói riêng và tất cả các doanh nghiệp nói chung là sự thân thiện của các phần mềm hoặc là nền tảng sau khi đã chuyển đổi số.
Không phải là nhân viên nào cũng có thể thích ứng ngay được nghĩa là nhân viên mang tính thời vụ hoặc là những nhân viên làm công việc đơn giản như các lái xe, bốc xếp, giao hàng. Thứ hai nữa là chi phí. Ví dụ viết một phần mềm rất nhiều tiền rồi chi phí thuê server hoặc thuê nhân sự có khả năng về IT để họ có thể túc trực liên tục.
Những chi phí ấy cũng mang lại cho doanh nghiệp là một gánh nặng tương đối lớn, đòi hỏi về quy mô doanh nghiệp nó phải ở mức vừa phải thì họ mới duy trì được”
Ảnh: Chuyển đổi số trong kho vận
Chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ Dữ liệu lớn (Big Data), bà Cao Cẩm Linh - Giám đốc chiến lược Tổng công ty cổ phần bưu chính Viettel cho biết, Viettel Post có thể tối ưu về thời gian, tài nguyên, độ phủ địa lý, bưu cục trung tâm khai thác tỉnh, vùng, đánh giá được nguy cơ rời bỏ mạng, rời chuỗi, khách hàng có thể sắp rời dịch vụ, hoặc nguy cơ hệ thống không đáp ứng được nhu cầu khách hàng.
Bà Cao Cẩm Linh đánh giá cao tầm quan trọng của đơn vị chiến lược, đặc biệt là về nhân lực, trong doanh nghiệp Logistics: “Có những vị trí rất hoang mang, lo sợ khi công nghệ 4.0, Big Data, AI, BlockChain thì có thể lao động một số ngành nghề sẽ biến mất. Nhưng thực ra điều đó không đúng, chúng ta đang chưa hiểu đủ, chính xác cách làm thế nào. Chúng tôi đang rất cần nhân lực chất lượng cao, có kiến thức để chúng tôi xây dựng ra được bài toán để máy học và hiểu. Đó chính là bái toán từ đơn vị xây dựng chiến lược”.
Trong khi đó, bà Trịnh Thị Thu Hương – Phó Viện trưởng Viện kinh tế và kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương giới thiệu một số ứng dụng nổi bật trong Logistics hiện tại, gồm: Xe không người lái; Robot kho hàng; Thực tế ảo; Giao hàng theo yêu cầu; Giao hàng chặng cuối.
Bà Hương đánh giá, số lượng doanh nghiệp trong nước đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 4.0 chưa nhiều; doanh nghiệp hiện nay chỉ áp dụng phần mềm quản lý đơn lẻ cho từng bộ phận, giải pháp có tính tích hợp cao chưa phổ biến; Công nghệ tiên tiến được áp dụng manh mún, không mang tính hệ thống, theo nhu cầu của bộ phận nghiệp vụ.
“Cái khó khăn cũng gần như nhau, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam thấy khó khăn nhiều hơn về vấn đề tài chính. Còn các doanh nghiệp nước ngoài họ thấy khó khăn về trình độ nhân lực. Tại thị trường Việt Nam, dường như họ không tìm được nguồn nhân lực sẵn sàng sử dụng các công nghệ, những người giúp chuyển đổi số suôn sẻ hơn”, bà Hương nói.
Chuyển đổi số được xem là phương thức hiện đại để kết nối giữa nhà sản xuất, người vận tải và người tiêu dùng tạo bước phát triển đột phá và tăng tính cạnh tranh trong ngành Logistic. Chiến lược chuyển đổi số không chỉ nằm ở công nghệ, mà còn là con người, tư duy, phương pháp, quy trình thực hiện, và văn hóa của một doanh nghiệp, tổ chức. Để chuyển đổi số doanh nghiệp thành công phải bắt đầu từ tư duy của người lãnh đạo
(VOVgiaothong)