Thách thức cho thị trường xuất khẩu nông sản dịp cuối năm

Trong những ngày cuối năm, khi thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần, thị trường xuất khẩu nông sản đi các nước đang trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Thế nhưng, với những biến động của nền kinh tế thị trường trong thời gian vừa qua, đặc biệt là việc xuất khẩu nông sản sang các nước được coi là thị trường thế mạnh của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ... thì vẫn còn đó những thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.


Hàng trăm xe container thanh long bị ùn ứ nhiều ngày ở khu vực cửa khẩu quốc tế Tân Thanh, Lạng Sơn những ngày cuối tháng 11/2019 - Ảnh: Bảo An
Hàng trăm xe container thanh long bị ùn ứ nhiều ngày ở khu vực cửa khẩu quốc tế Tân Thanh, Lạng Sơn những ngày cuối tháng 11/2019 - Ảnh: Bảo An

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chính như rau quả, gạo... giảm mạnh, tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu nông sản chung của cả nước. Thời gian còn lại của năm 2019 không nhiều và có thể thấy mục tiêu kế hoạch xuất khẩu nông sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Từ trước đến nay, rau quả là một trong những mặt hàng được coi là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, sản lượng xuất khẩu liên tục giảm. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam với 4,25 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình trong sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là hàng rau, củ quả chỉ đạt 1,9 tỷ USD, giảm tới 13,5% so với cùng kỳ năm 2018.


Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Toản, tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng năm 2019 đạt 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính (trái cây, gạo, cà phê) ước giảm 7,2% xuống gần 14 tỷ USD. Thủy sản, vốn là ngành hàng thế mạnh của Việt Nam cũng giảm khoảng 2% xuống còn 6,23 tỷ USD trong 9 tháng năm 2019.

Gần đây, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng khiến lượng nông sản Trung Quốc xuất sang Mỹ giảm sút, buộc phải quay sang phục vụ thị trường trong nước. Để tăng tiêu thụ nội địa, Trung Quốc phải siết chặt hàng nhập khẩu từ các nước, nên nông sản Việt Nam vào nước này khó khăn hơn. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, sản lượng rau quả xuất khẩu 9 tháng năm 2019 giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng nhãn xuất khẩu giảm 43%, sầu riêng giảm 0,2%, dừa giảm 30,8%, dưa hấu giảm 26,3%... Cùng với rau quả và gạo, nhiều mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm đáng kể. Hiện tại, gạo là mặt hàng xuất khẩu có sự sụt giảm lớn nhất, lượng gạo xuất khẩu 9 tháng của năm 2019 giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Hiện nay, phần lớn nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng không cao. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến lạc hậu nên chất lượng nông sản không bảo đảm, không đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng của đối tác. Điều đáng tiếc chính là nhiều sản phẩm nông sản đặc sản của Việt Nam chưa được người tiêu dùng nước ngoài biết đến, vì xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp trung gian nước ngoài hoặc gia công chế biến cho các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Cũng vì thiếu thương hiệu mà nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi thị trường thế giới có biến động. Đơn cử như mới đây, đầu tháng 11-2019, hàng trăm xe container thanh long bị ùn ứ nhiều ngày ở cửa khẩu quốc tế Tân Thanh, Lạng Sơn dẫn đến hư hỏng, tăng chi phí vận chuyển do Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu và siết chặt thông quan hàng hóa.

Thực tế này cho thấy, yếu tố tiên quyết trong xuất khẩu nông sản mang lại giá trị cao và bền vững là ngoài làm tốt khâu sản xuất, chế biến, Việt Nam cần có một chiến lược bài bản trong xây dựng thương hiệu quốc gia cho các loại nông sản chủ lực. Nhà nước cần sớm bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nông sản theo hướng phù hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn thế giới; phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý... đối với nông sản xuất khẩu chủ lực; nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP... Đồng thời, xây dựng các chương trình quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại quốc gia với các thị trường trọng điểm và tiềm năng, nhất là với các nước đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam; tập trung giới thiệu những mặt hàng thế mạnh, tiềm năng, tránh dàn trải, thiếu chiều sâu...

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, việc chuyển đổi chính sách nhập khẩu của Trung Quốc là xu thế tất yếu của việc phát triển nền kinh tế. Chúng ta phải nhìn nhận lại thị trường để có những thay đổi về tư duy và nhận thức từ xuất khẩu nông sản tiểu ngạch, coi thị trường Trung Quốc là “giá rẻ, dễ tính” sang tư duy sản xuất nông sản thương phẩm có chất lượng cao, có trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn hợp đồng, được giao thương qua đường xuất khẩu chính ngạch, vào các siêu thị và trung tâm thương mại của Trung Quốc. Chỉ khi nào hàng hóa nông sản của Việt Nam đứng vào chuỗi cung ứng đó, thì xuất khẩu chính ngạch mới thành công.


Theo Bộ Công thương, nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam gặp khó khăn là do chất lượng sản phẩm không đồng đều, không ổn định, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường... Từ đó, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, giá trị thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Biên phòng

(Nguồn: vlr.vn)