Tấp nập đơn hàng xuất khẩu

Vừa khởi động lại sau Tết, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khẳng định đơn hàng rất khả quan, giá xuất khẩu tốt tuy nhiên cái khó nhất hiện nay vẫn là tình trạng giá cước container ở mức quá cao và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khẳng định đơn hàng rất khả quan, giá xuất khẩu tốt
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khẳng định đơn hàng rất khả quan, giá xuất khẩu tốt

Tấp nập đơn hàng xuất khẩu

Tuần tới đây, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An sẽ xuất khẩu khoảng 690 tấn gạo thơm đi thị trường Malaysia với giá trên 700 USD/tấn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu bởi doanh nghiệp này đã có rất nhiều đơn hàng nữa đi các nước châu Á cũng như EU.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - phấn khởi cho biết, năm 2021 có thể vẫn là một năm “được mùa được giá” của ngành lúa gạo vì đơn hàng của công ty rất khả quan. Bằng chứng là trong tháng 1/2021 và xuyên suốt kỳ nghỉ Tết công ty vẫn miệt mài xuất khẩu nhiều đơn hàng đi các thị trường trong khu vực ASEAN.

Cũng như Trung An, một doanh nghiệp gạo khác là VRICE đã ghi nhận xuất khẩu bình quân 20 container gạo/tháng kể từ đầu năm 2021 tới nay. Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE - thông tin, nhờ tín hiệu tích cực của thị trường cũng như tác động từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà giá gạo xuất khẩu hiện giữ ở mức cao, theo hướng có lợi cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân. Hiện tại VRICE đang xúc tiến thu mua lúa Đông Xuân để chuẩn bị gạo cho các đơn hàng sắp tới.

Trên thực tế, từ giữa năm 2020 tới nay, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam liên tục đứng ở mức cao và kéo dài qua năm 2021. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2021, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 551,7 USD tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2020 và tăng đến 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, các doanh nghiệp gạo kỳ vọng những tín hiệu tích cực đầu năm sẽ giúp ngành này tiếp tục lập kỳ tích trong năm 2021.

Tương tự, với lĩnh vực nông sản, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc của Vina T&T - chia sẻ, mới đây Vina T&T đã xuất khẩu 2 container với 40.000 trái dừa đi Mỹ và Hàn Quốc; 20 tấn xoài đi Úc, 50 tấn thanh long đi Mỹ, Canada và 3 tấn chôm chôm sang thị trường Mỹ.

Với đà xuất khẩu này, theo ông Tùng, Vina T&T khá lạc quan về kế hoạch tăng trưởng từ 15 - 20% trong năm 2021 của tập đoàn này. Để hoàn thành mục tiêu đó, công ty sẽ mở rộng sang các thị trường mới trong khu vực châu Âu hay 15 nước đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Ngoài những doanh nghiệp trên, các doanh nghiệp trong ngành cà phê như Intimex, Phúc Sinh... cũng đã nhộn nhịp đơn hàng đi EU, Mỹ từ đầu năm. Theo các doanh nghiệp này, cà phê hiện tại vẫn được người tiêu dùng lựa chọn nên việc xuất khẩu trong năm 2021 sẽ tương đối tốt.

Lo ngại cước container cản bước

Mặc dù lạc quan về đơn hàng và thị trường, song các doanh nghiệp cho biết rất lo ngại tình trạng giá cước container cao như hiện nay kéo dài sẽ là ảnh hưởng tới mục tiêu xuất khẩu. Ông Phan Văn Có cho biết, trong tháng 1/2021, lẽ ra công ty đã xuất khẩu nhiều hơn nhưng do nhiều khách hàng từ chối giao dịch vì giá thành quá cao. Cụ thể, giá cước thuê container từ TP. Hồ Chí Minh đi châu Âu hiện dao động từ 4.000 - 4.600 USD/cont 20 feet, TP. Hồ Chí Minh - châu Phi là 3.500 - 4.000 USD/cont 20 feet, TP. Hồ Chí Minh - Middle East có giá từ 1800-2400 USD/cont 20 feet...

“Do giá cao nên nhiều khách hàng trước đây vốn giao dịch với chúng tôi đã chọn phương án mua hàng các nước có vị trí địa lý gần nhất để giảm giá cước và rủi ro trong quá trình vận chuyển” - ông Có cho biết thêm.

Trước tình trạng này, ông Phạm Thái Bình lo ngại về lâu dài sẽ ảnh hưởng không chỉ ngành gạo mà nhiều ngành hàng khác. “Đơn hàng năm 2021 chúng tôi không lo nhưng cái lo nhất vẫn là vấn đề vận tải. Dù Chính phủ cũng như các Bộ ngành đã vào cuộc, chỉ đạo các hãng tàu phải hạ nhiệt giá container nhưng tới nay giá vẫn ở mức cao. Để giúp doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi hơn trong thời gian tới, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo ngành vận tải khắc phục việc thiếu vỏ container. Có như vậy sắp tới mới hạ nhiệt được giá cước và tác động tốt hơn cho xuất khẩu” - ông Bình nêu ý kiến.

Trước đó, qua những phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp về cước thuê container rỗng tăng phi mã, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải làm việc với chủ tàu và các chủ hàng ở hai miền Nam, Bắc đồng thời có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Về vấn đề này, cuối tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao các Bộ Giao thông Vận tải, Tài chính nghiên cứu, xử lý báo nêu về giải pháp hạ nhiệt giá cước tàu biển đang tăng cao.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng, các doanh nghiệp cho biết, cước thuê container rỗng đã “đứng” lại nhưng giữ nguyên ở mức cao chứ không giảm. Do vậy, doanh nghiệp đang mong mỏi sắp tới các Bộ, ngành sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để góp phần hạ nhiệt giá cước thuê container xuất khẩu, tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu chung của Việt Nam trong năm 2021.

Báo Công Thương

(Nguồn: vlr.vn)