Sau hơn 3 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), việc triển khai các giải pháp nhằm khắc phục khuyến nghị của EC từ phía Việt Nam đã đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên đến nay, khả năng gỡ "thẻ vàng" vẫn khá mong manh.
Xuất khẩu giảm rõ rệt
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), sau 3 năm EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam, XK hải sản sản Việt Nam sang thị trường EU bị tác động giảm rõ rệt, liên tục qua các năm 2018 (giảm 6%), 2019 (giảm 15%) và 9 tháng đầu năm 2020 giảm 13%. Dự báo cả năm 2020, giá trị XK hải sản sang EU có thể đạt 340 triệu USD, giảm 10% so với năm 2019 và doanh số giảm 28% so với năm 2017.
Thời gian tới, một số giải pháp trọng tâm để ngăn chặn khai thác IUU là ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, sở, ban ngành và lực lượng chức năng liên quan trong công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý nghiêm túc tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm trong công tác chống khai thác IUU gây ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EC.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản
Suốt thời gian qua, nỗ lực triển khai các nhóm khuyến nghị của EC từ phía Việt Nam ghi nhận không ít kết quả tích cực. Tổng cục Thủy sản nêu rõ, tính đến tháng 12/2020, số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã đạt 25.682/30.971 tàu cá từ 15m trở lên (tỷ lệ 82,92%). Về kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát hàng hoá qua cảng, 27/28 tỉnh ven biển đã thành lập Văn phòng/Tổ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng chỉ định do cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản tỉnh phối hợp với lực lượng Biên phòng thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời, cập cảng.Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) đánh giá: "EU từ vị trí thứ hai trong top thị trường NK hải sản của Việt Nam đã tụt xuống thị trường thứ năm kể từ năm 2018, sau khi Việt Nam bị cảnh báo với "thẻ vàng" IUU, đứng sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN".
Đáng chú ý, về kiểm soát nguyên liệu nhập thủy sản NK từ tàu nước ngoài theo Điều 70, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP về kiểm soát hoạt động NK, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp, trong 12 tháng qua, các cơ quan kiểm dịch cửa khẩu đã thực hiện kiểm dịch NK 6.508,4 tấn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc khai thác từ tàu trung chuyển cập các cảng Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển tăng cường tuần tra, kiểm tra ngăn chặn tàu tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước tại các khu vực giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam với Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia; phối hợp với lực lượng Biên phòng cử cán bộ Bộ đội Biên phòng thường trực tại Văn phòng kiểm soát tại cảng; chỉ đạo đồn, trạm Biên phòng và Chi cục Thủy sản các tỉnh ven biển tổ chức tốt công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng.
Mong manh gỡ "thẻ vàng"
Bên cạnh những kết quả đạt được, công cuộc nỗ lực nhằm gỡ "thẻ vàng" của Việt Nam còn khá gian nan khi tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp diễn phức tạp, chưa có dấu hiệu chấm dứt, trong đó có tình trạng tàu cá không có số đăng ký, không treo cờ bị nước ngoài bắt giữ, xử lý nhưng thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu là người Việt Nam.
Về mặt con số, trong năm 2019 xảy ra 138 vụ/220 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, trong đó các lực lượng chức năng đã xác định có 93 vụ/144 tàu cá bị bắt giữ, xử lý do vi phạm vùng biển của các nước trong khu vực gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines, Campuchia, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận, Bạc Liêu. Từ đầu năm 2020 đến ngày 30/11/2020, đã xảy ra 76 vụ/124 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, trong đó vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài xảy ra 47 vụ/78 tàu.
Việc áp dụng quy định xử phạt hành chính mới trong lĩnh vực thủy sản đối với các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài còn hạn chế (mới xử được 1 trường hợp). Cùng với đó, việc áp dụng hình thức xử lý đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa thống nhất giữa các địa phương. "Đây là một trong những tồn tại chính mà phía EC chưa thể gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho Việt Nam hoặc thậm chí bị nâng lên cảnh báo “thẻ đỏ" trong đợt thanh tra lần tiếp theo nếu tình hình chưa có sự cải thiện", lãnh đạo Tổng cục Thủy sản lo lắng.
Đứng từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, việc thiếu nguồn nhân lực đang là khó khăn chung của các địa phương trong thực thi, dẫn đến việc thực hiện quản lý, giám sát, kiểm soát tàu cá bị hạn chế. Tình trạng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng không bật thiết bị kết nối với trạm bờ theo quy định vẫn còn xảy ra khá phổ biến.
Thứ trưởng Bộ NN&PTTN Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, phía EC đề nghị Việt Nam phải tập trung nguồn lực (con người, kinh phí), đầu tư hạ tầng, chỉ đạo quyết liệt triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các quy định liên quan chống khai thác IUU; khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế phía EC đã chỉ ra. Phía EC khẳng định không gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam nếu không chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.
Báo Hải quan
(Nguồn: vlr.vn)