RÓT VỐN ĐẦU TƯ KHỦNG NHẰM HOÀN THIỆN CƠ SỞ HẠ TẦNG NGÀNH LOGISTICS

MẠNH TAY RÓT VỐN CHO NGÀNH LOGISTICS

Mới đây, Tập đoàn YCH (Singapore) và T&T Group đã khởi công trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc - Vietnam Superport. Với tổng vốn đầu tư gần 3.900 tỉ đồng, các doanh nghiệp này mong muốn xây dựng chuỗi cung ứng tích hợp, rút ngắn thời gian vận chuyển.

Nằm trong xu hướng đầu tư, Tập đoàn BEST Inc cũng đã hiện thực hóa chiến lược chọn Việt Nam làm thị trường chủ chốt. Đơn vị này đã rót hơn 20 triệu USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ. Hơn hai năm có mặt tại Việt Nam, BEST triển khai xây dựng 30 trung tâm phân loại hàng hóa trải khắp cả nước. Trong đó, hai trung tâm tại Bắc Ninh và TP.Hồ Chí Minh có quy mô lớn nhất của tập đoàn tại Đông Nam Á. Diện tích kho bãi khai thác trên cả nước lên hơn 100.000m2, mỗi trung tâm đều được trang bị công nghệ phân loại, xử lý hàng tự động, hiện đại.

Hay gần nhất, nhà phát triển kho logistics quốc tế Logos Property mới đây cũng đã liên doanh cùng Manulife Investment Management trong dự án phát triển nhà xưởng hậu cần hiện đại xây theo yêu cầu (built - to - suit) với tổng diện tích hơn 116.000m2 và trị giá trên 80 triệu USD. Sự xuất hiện của những đơn vị quốc tế nay cũng đã góp phần nâng cao chất lượng xây dựng và vận hành bất động sản công nghiệp hậu cần, kho vận tại Việt Nam.

Ảnh. Cơ sở hạ tầng cảng biển Việt Nam


LIÊN TỤC ĐỔI MỚI ĐỂ PHÁP TRIỂN TOÀN DIỆN

Thực tế đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm qua, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Song nhiều doanh nghiệp ngành logistics vẫn tìm cách xoay xở, đạt mức tăng trưởng khá ổn định. Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu Agility công bố năm 2022 cho thấy, Việt Nam đang đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng trong top 50 quốc gia đứng đầu. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia và Malaysia, Thái Lan, vượt lên Philippines, Myanmar và Campuchia.

Theo đánh giá Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành ở thị trường nội địa những năm gần đây đạt khoảng 14 - 16% với quy mô 40 - 42 tỉ USD/năm. Dự kiến trong năm tới, số lượng doanh nghiệp logistics lẫn thương mại điện tử vẫn tăng trưởng với tốc độ ổn định, góp phần thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ kho bãi và vận chuyển Việt Nam bứt phá.

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội - cho biết, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần. Tuy nhiên, điều này đi đôi với nhu cầu tăng cao về bất động sản công nghiệp chất lượng cao. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm địa điểm. Các khu công nghiệp và khu hậu cần kho bãi như nguồn cung bất động sản công nghiệp đang chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo ông Matthew Powell, khả năng tiếp cận là yếu tố tiên quyết đối với ngành hậu cần. Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, quá trình vận chuyển cũng sẽ quyết định sự thành công của chuỗi cung ứng.

Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) - nhận định, tại Việt Nam, hạ tầng về logistics nói chung trong đó có hạ tầng về vận tải, hạ tầng kho bãi đã có những bước thay đổi nhanh trong thời gian qua. Ở góc độ hạ tầng giao thông, trong 10 năm gần đây, hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ đã được mở rộng và nối dài. Việt Nam cũng đã có những cảng biển lớn như cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Cát Lái… là những cửa ngõ trung chuyển quốc tế. Đối với ngành bất động sản liên quan đến hậu cần, kho bãi, điều quan trọng nằm ở nguồn cung. Nhiều đơn vị phát triển dự án đã và đang làm việc với những chuyên gia trên thế giới để áp dụng những phương pháp tăng hiệu quả đầu tư và vận hành cho cho doanh nghiệp.


(Báo Lao Động)