72% khí thải CO2 đến từ vận tải đường bộ

Chiều ngày 19/6 tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) đã kết hợp với Học viện Mekong (MI) đồng tổ chức hội thảo với chủ đề “Hội thảo về Vận tải và Logistics xanh Phát triển bền vững”.Theo số liệu của GIZ 72% lượng khí thải CO2 thải ra môi trường từ các hoạt động vận tải đường bộ, trong đó vận tải hàng hóa chiếm 30-40%. Dự báo tại Châu Á đến năm 2030 khí thải CO2 từ hoạt động vận tải sẽ tăng lên từ 3 – 5 lần.
Bà Phùng Thị Hòa, Điều phối viên quốc tế của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) phát biểu tại hội thảo
Bà Phùng Thị Hòa, Điều phối viên quốc tế của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) phát biểu tại hội thảo

Phát triển Vận tải xanh và logistics trong khu vực là một trong những mục tiêu lớn nhằm giảm chi phí vận hành của doanh nghiệp và giảm phát thải ra môi trường. Cuối cùng là tăng cường đóng góp vào phát triển kinh tế của ngành vận tải và logistics.

Hội thảo trình bày và thảo luận thực trạng, sáng kiến giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận, tăng cường năng lực và giảm chi phí nhiên liệu, chia sẻ các thông lệ tốt nhất về vận tải, logistics xanh và bền vững.

Với xu thế chung về hiệu quả kinh tế và vấn đề môi trường của ngành vận tải, việc áp dụng vận tải xanh sẽ giúp môi trường sống trở nên trong lành hơn, nâng cao sức khỏe xã hội, cộng đồng, đồng thời tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhằm gia tăng lợi nhuận về kinh tế.

Vận tải xanh là tập hợp các công nghệ và thông lệ thực hiện cải thiện hiệu quả ngành vận tải và cung cấp công cụ làm thước đo và giám sát thực hiện. Các chương trình vận tải xanh áp dụng mạnh các công nghệ và thông lệ thực hiện này trong ngành vận tải hàng hóa giúp giảm chi phí, giám sát lượng carbon, và cải thiện môi trường.
Theo đó, vận tải đang đóng một vai trò lớn đối với biến đổi khí hậu và tăng gánh nặng lên môi trường. Bà Phùng Thị Hòa, Điều phối viên quốc tế của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho biết, chỉ riêng ngành vận tải đã chiếm 23% lượng khí thải CO2 ra môi trường do sử dụng nguyên liệu để hoạt động, vận tải đường bộ tiêu thụ đến 80% lượng nguyên liệu xét trong ngành tại Châu Á.

Cũng theo bà Hòa, vận tải hàng hóa và logistics trong khu vực tiểu vùng sông MeKong (GMS) còn rất cục bộ và manh mún, chi phí nguyên liệu chiếm phần lớn chi phí vận doanh (40 -60%) dẫn đến gia tăng chi phí logistics, hiệu quả kinh tế thấp.

Một số giải pháp được đưa ra như sử dụng hình dạng khí động học để giảm lực cản không khí, sử dụng lốp xe tiết kiệm nhiên liệu thay vì lốp xe truyền thống, thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các phương tiện, tránh sử dụng các phương tiện có tuổi thọ cao hoặc các dòng xe kém hiệu quả về tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hệ số sử dụng trọng tải phương tiện bằng việc lựa chọn loại xe phù hợp với hàng hòa vận tải,…

Quang Anh

(Nguồn: vlr.vn)